Cảm ơn hay cám ơn?

Tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú về cả ngữ nghĩa lẫn cách viết. Có những từ ngữ khi nói thì dễ nhưng khi viết lại dễ gây nhầm lẫn dẫn tới sai chính tả. Một trong những từ dễ sai mà nhiều người mắc phải là “cảm ơn” và “cám ơn”.

Khi nói, nghe, đọc, viết, ai cũng biết rằng cả hai từ “cảm ơn” và “cám ơn” đều biểu thị một mục đích như nhau của người nói, người viết: Tỏ ra sự biết ơn những gì người khác làm cho mình. Từ này đôi khi có thể dùng trong ngữ cảnh tỏ ra lịch sự hoặc từ chối.

Khi tra từ khóa “cám ơn” trên trang tìm kiếm Google, bạn sẽ nhận được 38.800.000 kết quả trả về trong khi đó con số với “cảm ơn” là 111.000.000 kết quả. Trong đó, có nhiều trang tin tức điện tử đều sử dụng hai từ này, khiến cho nhiều người băn khoăn không biết đâu mới là cách sử dụng chính xác. Ngay cả khi sử dụng Google Translate để dịch từ tiếng Việt “cảm ơn” và “cám ơn” sang tiếng nước ngoài thì đều trả về chung một kết quả, ví dụ như tiếng Anh là “Thank you”. Tóm lại, khi muốn bày tỏ làm cảm kích với những điều tốt mà người khác làm cho mình, dùng từ “cảm ơn” hay “cám ơn”?

Cám ơn hay cảm ơn?

“Cám ơn” và “cảm ơn” đều có nguồn gốc từ hai chữ tiếng Hán, có âm Hán Việt đều là “cảm ân”. Lâu ngày người Việt đọc trại chữ “ân” thành “ơn” trong “cảm/cám ơn”.

Trong từ “cảm ân”, “cảm” có nghĩa là cảm thấy, cảm động, còn “ân” có nghĩa là “ơn”. Hiểu một cách đơn giản, “cảm ân” có nghĩa là cảm động, cảm kích với những điều tốt nhận được từ người khác. “Cảm ơn” và “cảm ân” có ý nghĩa như nhau. Còn với từ “cám ơn”, từ “cám” trong tiếng Hán có nhiều nghĩa nhưng đều không liên quan đến sự “tỏ lòng biết ơn”.

Trong tiếng Việt, “cám” có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là “cám” trong “cám gạo” và nghĩa thứ 2 là động lòng thương trước một cảnh ngộ nào đó. Như vậy, trong “cám ơn” thì “cám” mang ý nghĩa thứ hai.

Như vậy, cha ông ta chỉ mượn chữ Hán “cảm” để tạo chữ Nôm “cám”  chứ không mượn nghĩa. Nhưng trong từ “cảm ơn”, người Việt xưa đã mượn nguyên chữ “cảm”  trong Hán ngữ để tạo ra chữ Nôm “cảm” có cùng nghĩa như trong Hán ngữ.

Có quan điểm cho rằng người miền Bắc thường dùng từ “cảm ơn”, còn người miền Nam lại thích sử dụng “cám ơn”.  Tuy nhiên, vào nửa đầu thế kỷ XX, nhà văn Hồ Biểu Chánh, một tác giả viết rặt giọng Nam bộ, vẫn viết là “cảm ơn”:

“Bà chủ đáng cha mẹ, bà có lòng thương tôi nên xuống thăm, thì tôi đã cảm ơn lắm rồi, mà bà còn đi lễ vật nữa, thiệt tôi ái ngại hết sức” (trích tiểu thuyết Bỏ vợ, chương 4, NXB Vĩnh Hội, 1938). Như vậy, có cơ sở để nghĩ rằng từ nửa đầu thế kỷ XX, người miền Nam vẫn sử dụng từ “cảm ơn”, về sau mới biến đổi thành “cám ơn”.

Do đó, theo nhiều ý kiến thì cách sử dụng chuẩn mực nhất chính là “cảm ơn” chứ không phải là “cám ơn”, cho dù “cám ơn” là từ đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Việc sử dụng tiếng Việt một cách cẩu thả là một thói quen xấu hiện nay. Nếu không có cách ngăn chặn, những cái sai trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ sẽ ăn sâu vào tâm thức giới trẻ, đồng thời sẽ ảnh hưởng lan rộng đến toàn xã hội. Không chỉ với những ví dụ về “cảm ơn” và “cám ơn”, mà rất nhiều từ ngữ khác đã và đang được sử dụng sai, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Bên cạnh việc giáo dục bằng lời nói chúng ta phải hành động và tự mình nhận thức được việc học tiếng Việt một cách nghiêm túc. Để làm được điều đó, bạn có thể thực hành bằng cách sửa sai ngay từ những lỗi nhỏ nhất. Sau một thời gian thực hành, kỹ năng sẽ dần được cải thiện và bạn có thể nói đúng, trôi chảy hơn rất nhiều. Lúc này, khi đã tự nhận biết và sửa sai, chúng ta có thể giúp những người khác để cùng sử dụng tiếng Việt với bản chất vốn có, không bị sai lệch.

Sưu tầm

HÃY TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐẦU TIÊN BÌNH LUẬN

Để lại câu trả lời

Your email address will not be published.


*