Ba tư tưởng sâu sắc nhất tôi từng có

BA TƯ TƯỞNG SÂU SẮC NHẤT TÔI TỪNG CÓ

Tiến sĩ Peter Kreeft

Tư tưởng quý giá hơn kim cương. Ba tư tưởng quý giá nhất mà tôi từng khám phá ra đều liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa.

Không có ý nào trong số đó mới lạ. Nhưng mỗi thứ đều mang tính cách mạng. Không gì trong số chúng đến từ tôi. Nhưng tất cả chúng đến với tôi với sức mạnh và ngọn lửa bất ngờ: đó là những trải nghiệm khiến ta phải hô lên “aha!”, “eureka!” ‒ Thấy rồi. Tất cả là những nhận thức, chứ không chỉ là niềm tin.

  1. Chỉ có “Một Điều Cần Thiết” mà thôi. Tư tưởng đầu tiên xảy đến khi tôi được khoảng sáu hay bảy tuổi, tôi nghĩ vậy. Đó là việc khám phá có ý thức quan trọng đầu tiên mà tôi từng thực hiện, và tôi không nghĩ là tôi đã từng có một tư tưởng nào chín chắn hoặc khôn ngoan hơn tư tưởng đó. Đến hôm nay tôi vẫn nhớ chính xác nơi tôi đang ở khi nó đập vào tôi: đang đạp xe về phía bắc trên Đại lộ Haledon giữa Đường Sáu và Bảy ở Paterson, New Jersey, sau lễ sáng Chúa Nhật với cha mẹ tôi. Chẳng phải  cách chúng ta nhớ chính xác chỗ chúng ta đang ở khi những sự kiện lớn xảy ra làm thay đổi cuộc sống của chúng ta là điều đáng chú ý sao?

Tôi đã học được một vài điều về Thiên Chúa và Chúa Giêsu, về thiên đàng, về thiện và ác trong nhà thờ và các lớp giáo lý. Như hầu hết trẻ em ở độ tuổi đó, tôi có một chút bối rối và choáng ngợp bởi mọi sự ấy, đặc biệt bởi những gì mà sự vĩ đại được gọi là Thiên Chúa mong đợi nơi tôi. Tôi cảm thấy một chút bất an, tôi đoán, do không biết và một chút tội lỗi về mọi sự tôi không làm mà đáng ra tôi phải làm. Rồi đột nhiên ánh mặt trời chiếu qua màn sương mờ. Tôi thấy một điều duy nhất cần thiết làm cho mọi sự khác có ý nghĩa và trật tự.

Tôi đã kiểm tra cái nhìn của tôi với cha tôi, người có thẩm quyền đáng tin cậy nhất của tôi. Ông ấy là người có thâm niên trong nhà thờ và (quan trọng hơn nhiều) ông là một người tốt lành và khôn ngoan. “Cha, mọi thứ người ta dạy chúng ta ở nhà thờ và ở trường ngày Chúa nhật, tất cả những điều chúng ta phải học từ Kinh Thánh – tất cả đều phụ thuộc một điều duy nhất, phải không? Ý con là, nếu chúng ta chỉ nhớ một điều duy nhất quan trọng trong mọi lúc, thì tất cả những sự khác sẽ ổn, phải vậy không?”

Ông tỏ ra hoài nghi cách hợp lý. “Điều duy nhất nào? Có rất nhiều điều quan trọng”.

“Ý của con là, con chỉ nên luôn hỏi rằng Thiên Chúa muốn con làm gì và rồi làm điều đó. Chỉ vậy thôi, phải không?”

Những người khôn ngoan biết khi nào họ thua trong cuộc tranh luận. “Con biết đấy, cha nghĩ con nói đúng, con trai. Chỉ vậy thôi”.

Tôi đã nhận thức – nhờ ân sủng của Thiên Chúa, không phải trí khôn của riêng tôi, chắc chắn như vậy – rằng vì Thiên Chúa là tình yêu, do đó chúng ta phải yêu Chúa và yêu bất cứ điều gì mà Thiên Chúa yêu. Bấy giờ tôi biết rằng nếu chúng ta hướng về người dẫn đường thánh thiêng và đi theo cây trượng khôn ngoan và yêu thương của Ngài — là ý muốn, là lời của Ngài — thì cuộc đời chúng ta sẽ thành bản giao hưởng.

  1. Con đường dẫn đến hạnh phúc là tình yêu quên mình. Nhận thức thứ hai theo sát nhận thức này. Nghĩa là, nó đi theo một cách hợp lý. Nhưng đối với tôi nó đã không theo sát đúng lúc. Thay vào đó, phải mất nửa đời người để cảm nhận được,thông qua cả triệu thí nghiệm, mỗi thí nghiệm đều chứng minh cùng một kết quả: rằng con đường dẫn đến hạnh phúc là tình yêu quên mình và con đường dẫn đến bất hạnh là sự vị kỷ, lo lắng cho bản thân và tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình. Hạnh phúc của chúng ta chỉ đến với chúng ta khi chúng ta không tìm kiếm nó. Thay vào đó, nó đến với chúng ta khi chúng ta tìm kiếm hạnh phúc cho người khác.

Đáng xấu hổ là cần rất nhiều thời gian để học bài học phổ thông này. Nhưng ở đây hầu hết chúng ta đều là những học sinh vô cùng chậm. Chúng ta không ngừng thử những cách khác nhau, vì cho rằng có lẽ cái hạnh phúc đã không đến với chúng ta ở lần vừa rồi vì ích kỷ sẽ đến vào lần kế tiếp. Nó không bao giờ đến. Chân lý này hết sức rõ ràng, còn chúng ta hết sức mù mờ.

Bí mật của tình yêu không bị che giấu, vì “Thiên Chúa là tình yêu”, và Thiên Chúa không bị che giấu. Thiên Chúa phán qua tiên tri Isaia của Ngài: “Khi Ta phán, Ta đâu có ẩn mình, | ở nơi nào trong vùng đất tối tăm; | Ta không bảo giống nòi Giacop, | ‘Hãy tìm Ta trong cảnh hoang vu.’ | Chính Ta là Đức Chúa phán dạy lẽ công minh, loan báo điều chính trực” (Is 45,19).

Dĩ nhiên, các kế hoạch bí mật của Thiên Chúa, mà chúng ta không cần biết, thì ẩn khuất. Và bản tính vô hạn của Thiên Chúa, điều mà những tâm trí hữu hạn không thể biết, thì ẩn khuất. Nhưng điều nào chúng ta cần biết, Thiên Chúa không giấu chúng ta. Ngài ban nó cho chúng ta một cách công khai và tự do. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ tương lai “đến mà xem” (Ga 1,39). Thánh Phaolô tông đồ kêu chúng ta “hãy cân nhắc mọi sự; điều gì tốt thì giữ” (1Tx 5,21).

Bài học này phổ biến đến nỗi ngay cả một người ngoại giáo như Đức Phật cũng biết một cách sâu sắc, hoặc ít nhất là nửa phần tiêu cực của nó. Đây là “Chân lý cao quý thứ hai” của ngài: nguồn gốc của mọi bất hạnh và đau khổ (dukkha) là sự ích kỷ (tanha). Tất cả những người dạy ngược lại – rằng sự ích kỷ là con đường dẫn đến hạnh phúc – đều là những tâm hồn bất hạnh. “Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai”, như Chúa Giêsu nói với chúng ta. Ai là người hạnh phúc nhất trên trái đất? Những người như Mẹ Têrêsa và các nữ tu của Mẹ là những người không có gì, cho đi mọi thứ, và “vui luôn trong Chúa” (Pl 4,4).

  1. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài”. Nhận thức gây sốc thứ ba đúng theo nghĩa đen là thư Rôma 8,28: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích đối với những ai yêu mến Ngài”. Đây chắc chắn là câu gây kinh ngạc nhất trong Kinh Thánh, vì chắc chắn không có vẻ gì mọi thứ đều tốt đẹp. Cuộc sống của chúng ta chứa đựng toàn những thứ khủng khiếp! Nhưng nếu Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa toàn năng, Đấng thiết kế và chu cấp cho cuộc sống của chúng ta, là tình yêu trăm phần trăm, thì nhất thiết theo sau đó, như đêm tiếp sau ngày, là mọi thứ trong thế giới của Ngài, từ lúc sinh đến lúc tử, từ những nụ hôn đến những cái tát, từ kẹo ngọt đến ung thư, đều đến với chúng ta từ tình yêu tích cực hoặc khoan dung của Thiên Chúa.

Điều đó vô cùng đơn giản và hoàn toàn hợp lý. Chỉ có sự phức tạp của người lớn chúng ta mới khiến nó có vẻ u tối. Như G.K. Chesterton nói: Cuộc sống luôn phức tạp đối với ai không có nguyên tắc. Đây là sự đơn giản sáng ngời: Nếu Thiên Chúa là tình yêu hoàn toàn, thì mọi sự Ngài muốn cho tôi phải đến từ tình yêu của Ngài và vì lợi ích của tôi. Bởi đó là bản chất của tình yêu, muốn điều tốt cho người mình yêu. Và nếu Thiên Chúa có tình yêu tuyệt đối này cũng toàn năng nữa và có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn, thì tiếp theo là mọi thứ phải phối hợp hoạt động vì lợi ích tối hậu của tôi.

Không nhất thiết phải nhầm lợi ích trước mắt của tôi, vì tổn thất tầm ngắn có thể là con đường cần thiết để đạt được lợi ích tầm xa. Và không nhất thiết phải vì lợi ích rõ ràng của tôi, vì vẻ bề ngoài có thể đánh lừa. Như thế, đau khổ dường như không tốt. Nhưng nó luôn có tác dụng nhằm lợi ích thực sự và tối hậu của tôi. Thậm chí những điều xấu tôi và những người khác làm, dù chúng không đến từ Thiên Chúa, cũng được Chúa cho phép vì chúng được tính trong kế hoạch của Ngài. Bạn không thể chiếu hết, dồn Ngài vào thế bí, gây bất ngờ hoặc đánh bại Ngài. “Ngài có cả thế giới trong tay”, như điệp khúc một bài thánh ca xưa đã nói. Và Ngài cũng có cả cuộc sống của tôi trong tay Ngài. Ngài có thể lấy đi bất kỳ sự dữ nào do thiên nhiên, con người hoặc ma quỷ – như đập một con ruồi. Ngài cho phép điều đó chỉ vì đến cuối cùng nó sinh lợi ích lớn hơn cho chúng ta, giống như Ngài đã làm với ông Gióp.

Trong thực tế, mỗi nguyên tử trong vũ trụ đều chuyển động cách chính xác như nó đang chuyển động chỉ vì Đấng Tình Yêu toàn năng đã định cho nó như vậy. Dante đã đúng: đó là “tình yêu làm chuyển động mặt trời và tất cả các vì sao”. Đây không phải là sự tưởng tượng thơ mộng nhưng là sự thật hữu lý và lành mạnh. Do đó, điều sâu sắc nhất bạn có thể nói chính là lời kinh trước bữa ăn của các trẻ thơ: “Lạy Thiên Chúa cao cả và nhân hậu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con thực phẩm này. Amen!”. Tôi đã luôn tin vào tình thương và sự toàn năng của Thiên Chúa. Nhưng một khi tôi đã đặt hai ý tưởng này lại với nhau, đã thấy được hệ luận chắc chắn hợp lý này (Rm 8,28), và đã áp dụng chân lý ấy vào cuộc sống của mình, thì tôi không bao giờ có thể nhìn thế giới như trước nữa. Nếu Thiên Chúa cao cả (toàn năng) và Thiên Chúa nhân hậu (yêu thương), thì mọi việc xảy ra đều là thức ăn tinh thần cho chúng ta; và chúng ta có thể và phải biết ơn Ngài vì điều đó. Tuy nhiên, biết bao lần chúng ta không nhận ra và cảm kích chân lý đơn giản nhưng sâu sắc này.

Tôi nghĩ đây là ba tư tưởng sâu sắc nhất mà tôi từng có. Tuy nhiên, có một tư tưởng tôi nghe được và tôi nghĩ còn sâu sắc hơn. Đó là câu trả lời của Karl Barth cho một người đã hỏi ông: “Thưa giáo sư Barth, thầy đã viết hàng chục cuốn sách hay, và nhiều người chúng tôi cho thầy là nhà thần học vĩ đại nhất trên thế giới. Trong tất cả những tư tưởng của thầy, tư tưởng nào là sâu sắc nhất mà thầy có?” Không một giây do dự, nhà thần học vĩ đại trả lời: “Chúa Giêsu thương mến tôi”.